CUỘC CHIẾN TRONG THINH LẶNG
CUỘC CHIẾN TRONG THINH LẶNG
Thật không trung thực nếu tạo ảo tưởng rằng thinh lặng lúc nào cũng là một con đường dễ đi, một con đường đưa thẳng đến ‘sự nghỉ ngơi của tâm hồn’ và đến gặp gỡ Thiên Chúa! Thinh lặng cũng là nơi chiến đấu nhiều khi cam go chống lại các trở ngại, các sức mạnh Sự Dữ muôn mặt. Dù ta có gọi là tội lỗi, ma quỷ hay đêm tối, thì cũng chẳng khác gì! Có một điều chắc chắn: không thể nào đi theo con đường thinh lặng mà không sớm muộn ta lại không đối đầu với cuộc chiến được minh họa một cách mẫu mực bằng cơn hấp hối tại vườn Gietsemani.
Thánh Luca đã cô đọng trong vài câu một cuộc chiến đấu nội tâm đớn đau, có thể kéo dài nhiều giờ. Cuộc chiến đấu trong đó Chúa Giêsu đã đối diện với sự cô đơn khủng khiếp của một con người bị mọi người ruồng bỏ, cái cảm giác rất người ấy là sự hoảng sợ.
“Hoảng sợ, Ngài cầu nguyện khẩn thiết hơn” (Lc 22, 29-46). Ai mà lại chưa từng có kinh nghiệm ở mức độ khác nhau, về sự cô đơn đến khiếp sợ, khiến ruột gan se thắt, đầu óc rối tung, trước một thử thách về sức khỏe, trước một thất bại, một tương lai sập xuống.
Đức Giêsu đã đón nhận hoàn cảnh này của con người, khi thinh lặng không còn là sự thân mật ngọt ngào giữa Cha Con, nhưng lại là một tiếng thét phản kháng. Sự thinh lặng đáng gờm khi Thiên Chúa vắng mặt. Ta kêu lên trong đêm tối mà không nghe tiếng vọng. Trong cuộc chiến này (agonia tiếng Hy Lạp cũng như La tinh đều có hai nghĩa: ‘hấp hối’ và ‘chiến đấu’) Đức Giêsu tiếp tục cầu nguyện với Cha Ngài, nhưng quá trình chấp nhận thánh ý Cha xảy ra thật chậm rãi và đau dớn. Điều này cho thấy rằng con người rất khó lòng bỏ đi kế hoạch nhân loại của mình, hầu tuân theo chương trình sâu thẳm của Thiên Chúa!
Đần dần, Đức Giêsu đi từ phản kháng, từ sự sợ hãi thắt ruột thắt gan, từ khước từ để đến thái độ tin tưởng. Hiệu quả của cuộc cầu nguyện chiến đấu lâu giờ này trước sự im lặng của Thiên Chúa, sẽ không xuất hiện nơi mà chúng ta chờ đợi theo đầu óc con người. Và Đức Giêsu không được miễn trừ việc đối đầu với lực lượng sự dữ, với đau khổ, với khổ nạn và cái chết. Nhưng, rõ ràng là khi quân lính đến bắt Ngài, thì Ngài đã tìm lại được sự bình an nội tâm và sức mạnh để sống các biến cố đớn đau này. Chẳng phải đấy cũng là một biểu hiện đầu tiên cho thấy rằng lời cầu nguyện đã được nhậm lời rồi sao? Việc nhậm lời này sẽ tỏa sáng qua chiến thắng của sự sống, ngày Ngài được Chúa Cha phục sinh.
Từ thời những vị ẩn sĩ đầu tiên, truyền thống Kitô giáo luôn quan niệm rằng sự cô tịch nơi sa mạc không chỉ là một nơi ưu tuyển để gặp gỡ Thiên Chúa, mà còn là một nơi đối đầu với lực lượng sự dữ. Vào thế kỷ thứ IV, thánh Antôn, tổ phụ của các Đan Sĩ, được Thánh Thần thôi thúc đi vào vùng cát hoang vắng, giữa sông Nil và Biển Đỏ, nơi đó ngài phải đọ sức với Satan cha đẻ của dối trá.
Như thế, cuộc ‘tiến vào sa mạc này’ không bao giờ là một sự xả hơi, một sự trốn thoát khỏi những khó khăn đời thường, nhưng trái lại là một lời kêu gọi lên đường đi chiến đấu chống Kẻ Thù. Cuộc chiến mang tính cứu độ này chỉ có thể thực hiện được nếu ta sống thân mật ‘với Chúa Kitô’.
Người ‘cô liêu’ không hề là một người phi xã hội nhưng người ấy ý thức rằng mình sống hiệp thông với dân Chúa, và nhân danh Giáo Hội, chiến đấu chống lại lực lượng sự dữ đang không ngừng đe dọa thế gian. Do đó, sự rút lui này liên hệ đến một lãnh vực rộng hơn bản thân kẻ ở một mình. Vị đan sĩ liên đới với sự đối đầu to lớn giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự dữ và sự lành.
Đấy là nguyên do giải thích cho vị trí quan trọng của những ‘trò quỷ’ khiến ta mỉm cười, nhưng thường thấy trong cuộc đời họ, chẳng hạn trong đời thánh Antôn. Nhưng ta hãy vượt qua các hình ảnh ấy để nhận ra một ý nghĩa thần học, huyền nhiệm của cuộc chiến này.
Trong các thử thách, muốn được cứu thoát khỏi các vết cắn chết người của sự dữ hay của thất vọng, đôi khi ta cần phải thinh lặng chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô, Đấng đã đối diện với ‘sự thinh lặng của Thiên Chúa’, chiêm ngắm Đức Kitô; vị Môsê mới đang vượt qua sa mạc sự dữ, qua dòng nước sự chết để bước vào nước Chúa Cha và dẫn chúng ta theo sau Ngài. Đấy là một chiến thắng phục sinh đem lại ý nghĩa cho mọi cuộc chiến trong các ‘sa mạc’ của chúng ta.
Những cuộc cám dỗ của Đức Kitô nơi sa mạc
Những cuộc cám dỗ này vừa tóm lược vừa tiêu biểu cho mọi cuộc cám dỗ của mọi người, của mọi nền văn hóa nhân loại. Trong thinh lặng nơi sa mạc Chúa Giêsu đã phải đối diện và vượt qua ba cạm bẫy hay cám dỗ; lồng vào nhau, xuất phát từ ba nhu cầu cơ bản và chính đáng; được khắc ghi ngay trong bản chất của con người: nhu cầu sở hữu, nhu cầu khẳng định mình và nhu cầu quyền lực.
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy ra lệnh cho đá này trở thành bánh!” (Mt 4,3b). Chúa Giê-su cũng đã có kinh nghiệm về nhu cầu đầu tiên này của con người: nhu cầu có lương thực để sống. Cái đói đầu tiên, sơ đẳng, sống chết này đã nhanh chóng trở thành một nhu cầu hợp pháp cho phép ta chiếm hữu, hầu đảm bảo cho tương lai. Thế là xuất hiện cơn cám dỗ hay cạm bẫy này: thu góp quá mức để có một cuộc sống yên hàn, vơ vét những giàu sang của cải, chỉ làm thỏa mãn những đòi hỏi thế gian, những an toàn trước mắt. Chước cám dỗ này dần dần sẽ che khuất mọi khả năng cởi mở và chia sẻ, mọi sự sẵn sàng đón nhận sự giàu có của cõi lòng, các tương quan giữa người và người, các ân huệ của Thiên Chúa.
Vả lại, xã hội tây phương lại kích thích sự bám víu tự bản năng vào nhu cầu sở hữu này. Chúa Giêsu lật mặt nạ ảo tưởng bi đát ấy. Ngài là ‘Bánh – Lời Nhập Thể’, là Bánh Hằng Sống, nên Ngài biết rằng chỉ có sự viên mãn siêu việt của Thiên Chúa mới đủ khả năng làm no thỏa cái đói tuyệt đối của chúng ta: “Người ta không chỉ sống bằng bánh mà còn bằng Lời Hằng Sống xuất phát từ Thiên Chúa!” (Mt 4, 4).
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy nhảy xuống từ đỉnh đền thờ” (Mt 4, 6b) và mọi người sẽ tin ông! Ở đây, lộ diện cái đói cơ bản hay lòng ham muốn thứ hai của con người: nhu cầu cũng chính đáng, là được mọi người biết đến. Thế là xuất hiện một cám dỗ khác. Vì nhu cầu bẩm sinh ấy nhanh chóng biến thành một nhu cầu được nổi tiếng, được tỏa sáng. Cạm bẫy ở chỗ nghĩ rằng mình là trung tâm tuyệt đối, là cái rốn của vũ trụ, để rồi không còn khả năng lắng nghe một ý kiến nào khác với mình, và tìm đủ mọi cách áp đặt ý tưởng mình cho kẻ khác, vì lợi ích của họ!
Đấy đúng là việc thờ phượng ngẫu tượng ở mọi thời, thứ tôn giáo thay thế cho Sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hẳn đã có thể sử dụng quyền uy, khả năng của mình, không vì lợi ích cho Ngài, nhưng chỉ để hoàn thành sứ mạng; bằng cách thuyết phục loài người qua uy tín của một bậc Linh Sư (guru) đầy quyền năng.Và biết đâu, trong những ngày thất bại đắng cay, chước cám dỗ này lại đã không trở lại với Ngài?
Thế nhưng, noi theo vị Thiên Chúa Giao Ước Đấng tôn trọng tự do con người, Đức Giêsu xua đuổi chước cám dỗ ‘quỷ quyệt’ kia, cái cám dỗ xúi dục Ngài không ‘phục vụ’ Lời Thiên Chúa, thu hẹp tôn giáo thành một trò ảo thuật, một cảnh rền vang báo chí hoặc bóp méo Lời Chúa; như đôi khi chúng ta vẫn làm để biện minh cho các cuộc chiến tranh, các trò kỳ thị chủng tộc của mình.
Thái độ ấy là một thách thức đối với Thiên Chúa! “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7)…Sự thành công của sứ mạng Ngài sẽ không phải là kết quả của một cuộc vận động báo chí, khai thác nhu cầu tâm linh của người ta, hoặc nhu cầu có một Giáo Hội thế gian đầy quyền lực, nhưng là hoa trái của một tình yêu trao ban đến cùng, và không hề ép buộc.
“Nếu ngươi phục lạy ta, ta sẽ ban cho quyền lực và vinh quang của các vương quốc trên vũ trụ” (Mt 4, 9).
Ở đây, xuất hiện một cơn đói khác, cơn đói cuối cùng và rất gần gũi với cơn đói trước: nhu cầu tha thiết của con người là làm chủ vũ trụ, thọ tạo, cái cao vọng chính đáng là vượt cao hơn người bên cạnh, và đấy có thể là động lực của tiến bộ. Nhu cầu ấy thường tha hóa thành một quyền lực quá độ, một mong muốn đè bẹp kẻ khác. Cơn đói quyền lực ấy đôi khi ẩn núp dưới lớp bề ngoài thật cao thượng, và thậm chí đạo đức. Không phải chỉ có những ông vua, hay những nhà độc tài mới thích người khác quỵ lụy mình đâu!
“Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4, 10b). Đả đảo các ngẫu thần! Nếu con người không muốn bị tha hóa, thì họ chỉ có thể quỳ gối trước một Thiên Chúa tự mặc khải là Quyền Năng Yêu Thương. Hơn một lần, Đức Giêsu phải cưỡng lại để khỏi bị cuốn theo dòng nước ấy. Ngài nói ‘Không’ với những ai mong biến Ngài thành một ông vua, hoặc kéo Ngài về phía họ trong các cuộc chiến đấu ý thức hệ.
Ba chước cám dỗ hay cạm bẫy ‘quỷ quyệt’ này nói lên cuộc chiến trường kỳ, mà hẳn là Ngài phải tiến hành suốt cuộc đời Ngài. Đấy cũng là những cạm bẫy đối với con người, ngày xưa cũng như hôm nay. Được Thần Khí thúc bách, Đức Giêsu – Con Người, người nghèo, người khiêm nhường, và người tôi tớ - đã nhân danh chúng ta mà xua đuổi những cạm bẫy ấy, những cạm bẫy có thể hủy hoại chúng ta, trong tư cách là Con Người và là Con Thiên Chúa. Cuộc vượt qua của Ngài giải thoát chúng ta ra khỏi hiểm nguy của chước cám dỗ ba mặt và tự sát ấy.
Điều đáng phản kháng trong sự thinh lặng của Thiên Chúa
Nếu Thiên Chúa là Lời, thì Người cũng là Thinh Lặng! Không phải sự thinh lặng mà ta đã nói trước đây; sự thinh lặng bao quanh và chuẩn bị cho Lời, sự thinh lặng có vẻ rất giống như một sự vắng mặt! ‘Điều đáng phản kháng’ (Scandale) trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, đã là một trong những ray rứt của dân Giao Ước trong quá trình lịch sử đầy sóng gió của mình. Một sự thinh lặng không thể nào hiểu được, khiến cho tác giả thánh vịnh thốt lên những lời than thở lo lắng, khi phải đối diện với sự vênh váo trịch thượng của kẻ dữ:
Lạy Thiên Chúa, xin đừng làm thinh,
Xin đừng nín lặng ngồi yên, lạy Thiên Chúa (Tv 83, 2).
Lạy Thiên Chúa là Đấng con ca ngợi,
Xin Chúa đừng lặng thinh.
Bởi vì kẻ gian ngoa độc dữ mở miệng nhằm hại con,
Nói với con toàn lời dối trá (Tv 109, 1-2).
Ngay cả các ngôn sứ đôi khi cũng chua chát phản kháng, vì thấy kẻ nghèo bị bóc lột, người vô tội luôn bị khinh chê, còn Thiên Chúa thì im lặng. Họ thét lên với Chúa: “Cho đến bao giờ, Lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà người chẳng đoái nghe?... Sao Người lặng thinh khi kẻ dữ nuốt chửng người chính trực?” (Kb 1, 2.12).
Còn thảm kịch của Gióp thì đã trở thành biểu tượng nổi danh cho người công chính vô tội, khi họ kêu cầu trước sự thinh lặng của Thiên Chúa
Con kêu lên Người, nhưng Người không đáp,
Con trình diện Người, nhưng Người chẳng lưu tâm (G 30, 20).
Ta hãy nhớ lại rằng dân Kinh Thánh, sau cuộc tàn phá Giê-ru-sa-lem, vào thời lưu đày, đã từng thấy thế giới tôn giáo của mình sụp đổ, Đất Hứa đã bị quân xâm lăng dẫm nát, hậu duệ của dân thiên sai lại bị lưu đày, Đền Thờ tiêu tàn… Đấy là một cú sốc khủng khiếp đối với đức tin khiến họ phải đặt lên câu hỏi ray rứt: Thiên Chúa ở đâu? Lại một nhu cầu cấp bách phải tẩy rửa khái niệm của họ về Thiên Chúa phải đào sâu nội dung của lời hứa và ý nghĩa của ơn gọi!
Những thánh vịnh mệnh danh là ‘người nghèo của Thiên Chúa’, được viết sau cuộc lưu đày khủng khiếp ấy, nói lên sự thinh lặng đáng sợ của Thiên Chúa:
Vì sao Người không đáp lại lời con, ôi lạy Chúa! (Tv 12)
Lạy Thiên Chúa, xin đừng câm miệng làm thinh! (Tv 76)
Cho đến bao giờ, lạy Chúa, Người sẽ ẩn giấu tôn nhan Người? (Tv 82)
Xin trỗi dậy, vì sao Người vẫn ngủ, xin thức giấc! (Tv 87)
Làm sao có thể chấp nhận được điều đáng phản kháng là Thiên Chúa im lặng? Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi chiều kích vượt qua của sự cô đơn mà chính Đức Giêsu đã đón nhận?
Như thế, sự cô đơn của chúng ta; đôi khi là thời gian huyền bí để cày và gieo, thời gian mà Thần Khí kiên nhẫn xây dựng con người vĩnh cửu của chúng ta. Sự thinh lặng khi cưu mang. Sự thinh lặng của con người mới sẽ được sinh ra trong đất mới! Sự thinh lặng của ngày thứ bảy tuần thánh trong khi chờ đợi phục sinh! Sự thinh lặng để khước từ những của cải nghèo nàn, những kế hoạch phù phiếm của mình hầu đón nhận những sự phong phú không hề hư nát của Thiên Chúa.
Sự thinh lặng của con người cũ chết đi, và của con người Thiên Chúa tái sinh. Sự thinh lặng của hạt lúa mì chôn vùi dưới đất trước khi trở thành một bông lúa mới. Sự thinh lặng của cái kén chuẩn bị cho con bướm vỗ cánh bay lên. Sự thinh lặng của lột xác, của vượt qua. Vì không bao giờ có sự sống, nếu không có sự tăng trưởng, và không thể tăng trưởng nếu thiếu sự biến đổi và không có biến đổi nếu không thông qua cái chết. Sự thinh lặng mãi mãi là một huyền nhiệm về cái chết cũng như về sự tái sinh.
Đấy là sự thinh lặng, không chỉ để chiến đấu chống lại sức mạnh sự dữ, nhưng còn là để thanh luyện đào sâu về mầu nhiệm Thiên Chúa và về con người. Vâng, đôi khi Thiên Chúa có vẻ thinh lặng! Nhưng sự thinh lặng ấy chẳng phải là một cách tôn trọng tự do của con người sao? Một cách mời gọi họ đào sâu khát mong của mình, mở rộng chân trời của mình sao? Nếu đôi khi Tình Yêu im tiếng, thì im lặng chẳng phải là một lời mặc khải sao?
Dù Thiên Chúa thiết tha mong muốn yêu thương gặp gỡ tôi, ban ơn cho tôi, thì Người cũng không muốn có một sự ngộ nhận giữa bản chất sâu xa của tôi, giữa thực tại của tôi với điều mà Người dành cho tôi. Khi sự thinh lặng của chúng ta có vẻ trống rỗng, khi Thiên Chúa có vẻ trở nên một thực tại mơ hồ, và ngôn ngữ mà chúng ta dùng để tiếp cận Người có vẻ như những lời ngây ngô trống rỗng, có lẽ đấy là lúc mà Đấng Tạo Dựng mời gọi chúng ta mở lòng ra để đón nhận một giai đoạn mới trong quá trình tăng trưởng thiêng liêng của mình.
Một cuộc vượt qua khó khăn, qua đó ta phải học cách giữ thinh lặng vì Thiên Chúa mà thôi! Lúc này chước cám dỗ sẽ là xem các giai đoạn trước đó chỉ là ảo tưởng hoặc tự kỷ ám thị. Thế nhưng, qua sự cô đơn ‘sa mạc’ này, Thần Khí hướng dẫn chúng ta đến giai đoạn tiếp theo, đến một thái độ chân chính hơn đối với Thiên Chúa.
Đây là một sự thinh lặng đáng sợ, nhưng nó thanh tẩy chúng ta khỏi nhu cầu tha thiết của mình đó là ‘chiếm hữu’, là thu thập ‘các kinh nghiệm tâm linh’.
Thế nhưng ta không thể nào tích trữ ‘ân sủng’ cũng như không thể tích trữ man-na trong sa mạc. Chúng ta phải tìm ra tính chất ‘nhưng không’ của tình yêu Thiên Chúa, của giao ước và của những ân huệ không lường trước được. Thời gian sa mạc! Đêm đen khó thở! Đấy là thời gian khô cằn cần thiết để ta cắm rễ vào đức khiêm nhường và vào việc phó thác trong đức tin. Đêm đen của cõi lòng và trí khôn, lúc mà con người bắt đầu nghi ngờ mọi sự: nghi ngờ chính mình, nghi ngờ loài người và nghi ngờ cả Thiên Chúa. Sự thinh lặng đáng sợ. Đêm tối của đức tin.
Những giai đoạn bi tráng này của dân Chúa, như ta thấy trong các văn bản viết sau lưu đày, đều dẫn đến kết quả là đức tin được nội tâm hóa sâu xa hơn.
Nhưng đối với một vài người, cảm giác độc thoại cô đơn ấy đôi khi trở thành một cuộc chiến bi thảm dẫn đến việc đánh mất đức tin. Andre Gide chẳng hạn, kể lại cuộc chiến nội tâm mà ông đã kinh qua trong thời gian niên thiếu và đã làm cho ông rơi hẳn vào thái độ vô thần:
“Ôi Đấng Hằng Hữu, ôi Thiên Chúa của con! Ôi con mong được biết Người! Con quỳ gối lâu giờ, và thể xác lo lắng, trong khi tâm hồn tìm kiếm những lời cầu nguyện mới, và đôi khi tâm hồn đâm ra sợ hãi trước lời độc thoại trường kỳ của mình. Ôi khi ta không nghe một lời nào đáp lại, mà vẫn tin, vẫn còn đức tin mà không có gì trấn an mình; chờ đợi, nguyện cầu và biết rằng niềm hy vọng ấy đánh lừa mình; và rồi tiếp tục cầu nguyện, bằng mọi giá, bởi vì có lẽ…” (Les cahiers d’Andre Walter, trang 144-145).
Francois Mauriae chép lại trong một tiểu thuyết của ông, câu trả lời thống thiết mà cha xứ Baluzae, một người đã rơi vào đêm đen của vô tín, đã nói với Xavier một chủng sinh trẻ, khi anh nhận xét rằng ngài hẳn không thể nào yêu thương trọn đời một tư tưởng hay một huyền thoại:
“Vâng, ta có thể yêu thương một người đã chết cách đây hai ngàn năm, đúng vậy. Cha là bằng chứng đây, cha và nhiều người khác. Người ấy đã đánh lừa cha biết bao! Người ấy đã đánh lừa chúng ta từ thế kỷ này đến thế kỷ khác! Ngài tiếp tục bằng một giọng run rẩy, cha đã cầu nguyện thật nhiều, van xin thật nhiều! Vào tuổi con, người ta thốt lên những câu hỏi và những câu trả lời, rồi nghĩ rằng chính Thiên Chúa nói. Người ta không biết rằng chẳng có ai cả!” (L’Agneau, tr. 208).
Những tiếng thét phản kháng ấy, xưa kia cũng như ngày nay, đối với sự thinh lặng của Thiên Chúa chẳng phải là tiếng thét của chúng ta một ngày nào đó sao? Khi bất hạnh giáng xuống, khi thất bại sau bao cố gắng, khi thử thách giày xéo chúng ta, khi bệnh hoạn khổ đau hay cái chết xuất hiện trong ta hay quanh ta… câu hỏi nhói tim bùng dậy trong lòng ta: Thiên Chúa ở đâu trong bao nhiêu biến cố ấy?
Ta không thể lên án khát vọng con người là muốn được nhìn thấy Thiên Chúa ra tay can thiệp, khi mọi sự đều chao đảo. Nhưng cũng phải nhận ra chước cám dỗ muôn đời của con người là tạo ra cho mình một “Thiên Chúa hữu dụng”, vừa tầm với mơ ước, nỗi sợ của mình, và Thiên Chúa đó ‘phục vụ’ cho những nhu cầu trước mắt chúng ta. Đấy là các thần linh được dựng lên trong thời cổ đại. Và chẳng phải là lúc nào cũng có một tên ngoại đạo đang thiếp ngủ trong mỗi người chúng ta sao?
Nếu cái vỏ thinh lặng của Thiên Chúa làm chúng ta đau, thì nó cũng có thể trở nên cơ hội để ta nêu lên một câu hỏi đúng đắn và lành mạnh:
“Tôi tin vào vị Thiên Chúa nào?” Đây là một câu hỏi mà không nên quá nhanh nhảu giải đáp; bằng một lối mòn duy tri thức hay một câu trả lời duy đạo đức. Vả lại vị thiên chúa mà người ta tưởng tượng ra để phục vụ cho các điều mình yêu thích, cho các thành công của mình, trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay vị thiên chúa ấy khó lòng chống trả nổi với những cuộc phản kháng. Và trước cái chết của vị ‘thiên chúa hữu dụng’, chỉ có thể có hai thái độ mà thôi: hoặc là thái độ dửng dưng của chủ nghĩa vô thần, hoặc là thái độ khiêm nhường đón nhận một ‘thiên chúa không khớp với mong muốn của chúng ta’.
Vị ‘thiên chúa’ ấy quả thật không phải, tuyệt đối không phải, đơn thuần đó là hình ảnh phóng chiếu của các nhu cầu con người, hầu che đi những lo sợ hiện sinh của mình. Chúng ta không thể nào phịa ra được một ‘thiên chúa’ như thế! Người chẳng hề khớp với nhu cầu tự nhiên của một con người đi tìm sự bù trừ trong tôn giáo.
Sự nghi ngờ có thể trở nên con đường dẫn đến một đức tin thuần khiết, một đức tin luôn tìm kiếm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đấng nhập thể trong hình hài khiêm nhường của một trẻ thơ, rồi chết đi trên thập giá, dù không hề có một tội lỗi nào.
Thiên Chúa đã xóa hào quang thần thánh của mọi thiên chúa giả trong ‘tôn giáo tự nhiên’. Trước Thiên Chúa thinh lặng, chúng ta được mời gọi thực sự tiến hành một cuộc Vượt Qua Phục Sinh.
Sống lễ Vượt Qua của mình cũng có nghĩa là đóng đinh vào thập giá mọi khái niệm của chúng ta về Thiên Chúa, hầu đón nhận một Thiên Chúa mãi mãi cao cả hơn, một Giao Ước ‘cho không’.
Vị Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô mặc khải thì không ‘dùng’ để làm gì cả, theo ý nghĩa hẹp của từ ngữ này. Người không xóa bỏ các giới hạn hay các thử thách trong kiếp người, nhưng Người biến đổi đời thường chúng ta và phá vỡ chân trời hạn hẹp của chúng ta.
Thật khó khăn để ‘trở lại’ với Thiên Chúa của Phúc Âm, để đi từ một ‘thiên chúa’ ngoại đạo mà ta phải lấy lòng, phải thuyết phục hầu đến với một Thiên Chúa từng đón nhận cái chết của chúng ta để làm vọt lên sự sống đời đời.
Tôi không cần phải biện minh cho sự thinh lặng của Thiên Chúa! Nhưng những sự thinh lặng ấy chẳng phải là một “Lời âm” mà chúng ta cần phải học cách lắng nghe và giải thích sao? Sự thinh lặng của Thiên Chúa chẳng phải là một hình thức ngôn ngữ không lời khiến chúng ta phải đào sâu, tinh luyện nội dung của các khát mong của mình đó sao?
Trích trong tập sách NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Thánh Luca đã cô đọng trong vài câu một cuộc chiến đấu nội tâm đớn đau, có thể kéo dài nhiều giờ. Cuộc chiến đấu trong đó Chúa Giêsu đã đối diện với sự cô đơn khủng khiếp của một con người bị mọi người ruồng bỏ, cái cảm giác rất người ấy là sự hoảng sợ.
“Hoảng sợ, Ngài cầu nguyện khẩn thiết hơn” (Lc 22, 29-46). Ai mà lại chưa từng có kinh nghiệm ở mức độ khác nhau, về sự cô đơn đến khiếp sợ, khiến ruột gan se thắt, đầu óc rối tung, trước một thử thách về sức khỏe, trước một thất bại, một tương lai sập xuống.
Đức Giêsu đã đón nhận hoàn cảnh này của con người, khi thinh lặng không còn là sự thân mật ngọt ngào giữa Cha Con, nhưng lại là một tiếng thét phản kháng. Sự thinh lặng đáng gờm khi Thiên Chúa vắng mặt. Ta kêu lên trong đêm tối mà không nghe tiếng vọng. Trong cuộc chiến này (agonia tiếng Hy Lạp cũng như La tinh đều có hai nghĩa: ‘hấp hối’ và ‘chiến đấu’) Đức Giêsu tiếp tục cầu nguyện với Cha Ngài, nhưng quá trình chấp nhận thánh ý Cha xảy ra thật chậm rãi và đau dớn. Điều này cho thấy rằng con người rất khó lòng bỏ đi kế hoạch nhân loại của mình, hầu tuân theo chương trình sâu thẳm của Thiên Chúa!
Đần dần, Đức Giêsu đi từ phản kháng, từ sự sợ hãi thắt ruột thắt gan, từ khước từ để đến thái độ tin tưởng. Hiệu quả của cuộc cầu nguyện chiến đấu lâu giờ này trước sự im lặng của Thiên Chúa, sẽ không xuất hiện nơi mà chúng ta chờ đợi theo đầu óc con người. Và Đức Giêsu không được miễn trừ việc đối đầu với lực lượng sự dữ, với đau khổ, với khổ nạn và cái chết. Nhưng, rõ ràng là khi quân lính đến bắt Ngài, thì Ngài đã tìm lại được sự bình an nội tâm và sức mạnh để sống các biến cố đớn đau này. Chẳng phải đấy cũng là một biểu hiện đầu tiên cho thấy rằng lời cầu nguyện đã được nhậm lời rồi sao? Việc nhậm lời này sẽ tỏa sáng qua chiến thắng của sự sống, ngày Ngài được Chúa Cha phục sinh.
Từ thời những vị ẩn sĩ đầu tiên, truyền thống Kitô giáo luôn quan niệm rằng sự cô tịch nơi sa mạc không chỉ là một nơi ưu tuyển để gặp gỡ Thiên Chúa, mà còn là một nơi đối đầu với lực lượng sự dữ. Vào thế kỷ thứ IV, thánh Antôn, tổ phụ của các Đan Sĩ, được Thánh Thần thôi thúc đi vào vùng cát hoang vắng, giữa sông Nil và Biển Đỏ, nơi đó ngài phải đọ sức với Satan cha đẻ của dối trá.
Như thế, cuộc ‘tiến vào sa mạc này’ không bao giờ là một sự xả hơi, một sự trốn thoát khỏi những khó khăn đời thường, nhưng trái lại là một lời kêu gọi lên đường đi chiến đấu chống Kẻ Thù. Cuộc chiến mang tính cứu độ này chỉ có thể thực hiện được nếu ta sống thân mật ‘với Chúa Kitô’.
Người ‘cô liêu’ không hề là một người phi xã hội nhưng người ấy ý thức rằng mình sống hiệp thông với dân Chúa, và nhân danh Giáo Hội, chiến đấu chống lại lực lượng sự dữ đang không ngừng đe dọa thế gian. Do đó, sự rút lui này liên hệ đến một lãnh vực rộng hơn bản thân kẻ ở một mình. Vị đan sĩ liên đới với sự đối đầu to lớn giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự dữ và sự lành.
Đấy là nguyên do giải thích cho vị trí quan trọng của những ‘trò quỷ’ khiến ta mỉm cười, nhưng thường thấy trong cuộc đời họ, chẳng hạn trong đời thánh Antôn. Nhưng ta hãy vượt qua các hình ảnh ấy để nhận ra một ý nghĩa thần học, huyền nhiệm của cuộc chiến này.
Trong các thử thách, muốn được cứu thoát khỏi các vết cắn chết người của sự dữ hay của thất vọng, đôi khi ta cần phải thinh lặng chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô, Đấng đã đối diện với ‘sự thinh lặng của Thiên Chúa’, chiêm ngắm Đức Kitô; vị Môsê mới đang vượt qua sa mạc sự dữ, qua dòng nước sự chết để bước vào nước Chúa Cha và dẫn chúng ta theo sau Ngài. Đấy là một chiến thắng phục sinh đem lại ý nghĩa cho mọi cuộc chiến trong các ‘sa mạc’ của chúng ta.
Những cuộc cám dỗ của Đức Kitô nơi sa mạc
Những cuộc cám dỗ này vừa tóm lược vừa tiêu biểu cho mọi cuộc cám dỗ của mọi người, của mọi nền văn hóa nhân loại. Trong thinh lặng nơi sa mạc Chúa Giêsu đã phải đối diện và vượt qua ba cạm bẫy hay cám dỗ; lồng vào nhau, xuất phát từ ba nhu cầu cơ bản và chính đáng; được khắc ghi ngay trong bản chất của con người: nhu cầu sở hữu, nhu cầu khẳng định mình và nhu cầu quyền lực.
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy ra lệnh cho đá này trở thành bánh!” (Mt 4,3b). Chúa Giê-su cũng đã có kinh nghiệm về nhu cầu đầu tiên này của con người: nhu cầu có lương thực để sống. Cái đói đầu tiên, sơ đẳng, sống chết này đã nhanh chóng trở thành một nhu cầu hợp pháp cho phép ta chiếm hữu, hầu đảm bảo cho tương lai. Thế là xuất hiện cơn cám dỗ hay cạm bẫy này: thu góp quá mức để có một cuộc sống yên hàn, vơ vét những giàu sang của cải, chỉ làm thỏa mãn những đòi hỏi thế gian, những an toàn trước mắt. Chước cám dỗ này dần dần sẽ che khuất mọi khả năng cởi mở và chia sẻ, mọi sự sẵn sàng đón nhận sự giàu có của cõi lòng, các tương quan giữa người và người, các ân huệ của Thiên Chúa.
Vả lại, xã hội tây phương lại kích thích sự bám víu tự bản năng vào nhu cầu sở hữu này. Chúa Giêsu lật mặt nạ ảo tưởng bi đát ấy. Ngài là ‘Bánh – Lời Nhập Thể’, là Bánh Hằng Sống, nên Ngài biết rằng chỉ có sự viên mãn siêu việt của Thiên Chúa mới đủ khả năng làm no thỏa cái đói tuyệt đối của chúng ta: “Người ta không chỉ sống bằng bánh mà còn bằng Lời Hằng Sống xuất phát từ Thiên Chúa!” (Mt 4, 4).
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy nhảy xuống từ đỉnh đền thờ” (Mt 4, 6b) và mọi người sẽ tin ông! Ở đây, lộ diện cái đói cơ bản hay lòng ham muốn thứ hai của con người: nhu cầu cũng chính đáng, là được mọi người biết đến. Thế là xuất hiện một cám dỗ khác. Vì nhu cầu bẩm sinh ấy nhanh chóng biến thành một nhu cầu được nổi tiếng, được tỏa sáng. Cạm bẫy ở chỗ nghĩ rằng mình là trung tâm tuyệt đối, là cái rốn của vũ trụ, để rồi không còn khả năng lắng nghe một ý kiến nào khác với mình, và tìm đủ mọi cách áp đặt ý tưởng mình cho kẻ khác, vì lợi ích của họ!
Đấy đúng là việc thờ phượng ngẫu tượng ở mọi thời, thứ tôn giáo thay thế cho Sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hẳn đã có thể sử dụng quyền uy, khả năng của mình, không vì lợi ích cho Ngài, nhưng chỉ để hoàn thành sứ mạng; bằng cách thuyết phục loài người qua uy tín của một bậc Linh Sư (guru) đầy quyền năng.Và biết đâu, trong những ngày thất bại đắng cay, chước cám dỗ này lại đã không trở lại với Ngài?
Thế nhưng, noi theo vị Thiên Chúa Giao Ước Đấng tôn trọng tự do con người, Đức Giêsu xua đuổi chước cám dỗ ‘quỷ quyệt’ kia, cái cám dỗ xúi dục Ngài không ‘phục vụ’ Lời Thiên Chúa, thu hẹp tôn giáo thành một trò ảo thuật, một cảnh rền vang báo chí hoặc bóp méo Lời Chúa; như đôi khi chúng ta vẫn làm để biện minh cho các cuộc chiến tranh, các trò kỳ thị chủng tộc của mình.
Thái độ ấy là một thách thức đối với Thiên Chúa! “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7)…Sự thành công của sứ mạng Ngài sẽ không phải là kết quả của một cuộc vận động báo chí, khai thác nhu cầu tâm linh của người ta, hoặc nhu cầu có một Giáo Hội thế gian đầy quyền lực, nhưng là hoa trái của một tình yêu trao ban đến cùng, và không hề ép buộc.
“Nếu ngươi phục lạy ta, ta sẽ ban cho quyền lực và vinh quang của các vương quốc trên vũ trụ” (Mt 4, 9).
Ở đây, xuất hiện một cơn đói khác, cơn đói cuối cùng và rất gần gũi với cơn đói trước: nhu cầu tha thiết của con người là làm chủ vũ trụ, thọ tạo, cái cao vọng chính đáng là vượt cao hơn người bên cạnh, và đấy có thể là động lực của tiến bộ. Nhu cầu ấy thường tha hóa thành một quyền lực quá độ, một mong muốn đè bẹp kẻ khác. Cơn đói quyền lực ấy đôi khi ẩn núp dưới lớp bề ngoài thật cao thượng, và thậm chí đạo đức. Không phải chỉ có những ông vua, hay những nhà độc tài mới thích người khác quỵ lụy mình đâu!
“Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4, 10b). Đả đảo các ngẫu thần! Nếu con người không muốn bị tha hóa, thì họ chỉ có thể quỳ gối trước một Thiên Chúa tự mặc khải là Quyền Năng Yêu Thương. Hơn một lần, Đức Giêsu phải cưỡng lại để khỏi bị cuốn theo dòng nước ấy. Ngài nói ‘Không’ với những ai mong biến Ngài thành một ông vua, hoặc kéo Ngài về phía họ trong các cuộc chiến đấu ý thức hệ.
Ba chước cám dỗ hay cạm bẫy ‘quỷ quyệt’ này nói lên cuộc chiến trường kỳ, mà hẳn là Ngài phải tiến hành suốt cuộc đời Ngài. Đấy cũng là những cạm bẫy đối với con người, ngày xưa cũng như hôm nay. Được Thần Khí thúc bách, Đức Giêsu – Con Người, người nghèo, người khiêm nhường, và người tôi tớ - đã nhân danh chúng ta mà xua đuổi những cạm bẫy ấy, những cạm bẫy có thể hủy hoại chúng ta, trong tư cách là Con Người và là Con Thiên Chúa. Cuộc vượt qua của Ngài giải thoát chúng ta ra khỏi hiểm nguy của chước cám dỗ ba mặt và tự sát ấy.
Điều đáng phản kháng trong sự thinh lặng của Thiên Chúa
Nếu Thiên Chúa là Lời, thì Người cũng là Thinh Lặng! Không phải sự thinh lặng mà ta đã nói trước đây; sự thinh lặng bao quanh và chuẩn bị cho Lời, sự thinh lặng có vẻ rất giống như một sự vắng mặt! ‘Điều đáng phản kháng’ (Scandale) trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, đã là một trong những ray rứt của dân Giao Ước trong quá trình lịch sử đầy sóng gió của mình. Một sự thinh lặng không thể nào hiểu được, khiến cho tác giả thánh vịnh thốt lên những lời than thở lo lắng, khi phải đối diện với sự vênh váo trịch thượng của kẻ dữ:
Lạy Thiên Chúa, xin đừng làm thinh,
Xin đừng nín lặng ngồi yên, lạy Thiên Chúa (Tv 83, 2).
Lạy Thiên Chúa là Đấng con ca ngợi,
Xin Chúa đừng lặng thinh.
Bởi vì kẻ gian ngoa độc dữ mở miệng nhằm hại con,
Nói với con toàn lời dối trá (Tv 109, 1-2).
Ngay cả các ngôn sứ đôi khi cũng chua chát phản kháng, vì thấy kẻ nghèo bị bóc lột, người vô tội luôn bị khinh chê, còn Thiên Chúa thì im lặng. Họ thét lên với Chúa: “Cho đến bao giờ, Lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà người chẳng đoái nghe?... Sao Người lặng thinh khi kẻ dữ nuốt chửng người chính trực?” (Kb 1, 2.12).
Còn thảm kịch của Gióp thì đã trở thành biểu tượng nổi danh cho người công chính vô tội, khi họ kêu cầu trước sự thinh lặng của Thiên Chúa
Con kêu lên Người, nhưng Người không đáp,
Con trình diện Người, nhưng Người chẳng lưu tâm (G 30, 20).
Ta hãy nhớ lại rằng dân Kinh Thánh, sau cuộc tàn phá Giê-ru-sa-lem, vào thời lưu đày, đã từng thấy thế giới tôn giáo của mình sụp đổ, Đất Hứa đã bị quân xâm lăng dẫm nát, hậu duệ của dân thiên sai lại bị lưu đày, Đền Thờ tiêu tàn… Đấy là một cú sốc khủng khiếp đối với đức tin khiến họ phải đặt lên câu hỏi ray rứt: Thiên Chúa ở đâu? Lại một nhu cầu cấp bách phải tẩy rửa khái niệm của họ về Thiên Chúa phải đào sâu nội dung của lời hứa và ý nghĩa của ơn gọi!
Những thánh vịnh mệnh danh là ‘người nghèo của Thiên Chúa’, được viết sau cuộc lưu đày khủng khiếp ấy, nói lên sự thinh lặng đáng sợ của Thiên Chúa:
Vì sao Người không đáp lại lời con, ôi lạy Chúa! (Tv 12)
Lạy Thiên Chúa, xin đừng câm miệng làm thinh! (Tv 76)
Cho đến bao giờ, lạy Chúa, Người sẽ ẩn giấu tôn nhan Người? (Tv 82)
Xin trỗi dậy, vì sao Người vẫn ngủ, xin thức giấc! (Tv 87)
Làm sao có thể chấp nhận được điều đáng phản kháng là Thiên Chúa im lặng? Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi chiều kích vượt qua của sự cô đơn mà chính Đức Giêsu đã đón nhận?
Như thế, sự cô đơn của chúng ta; đôi khi là thời gian huyền bí để cày và gieo, thời gian mà Thần Khí kiên nhẫn xây dựng con người vĩnh cửu của chúng ta. Sự thinh lặng khi cưu mang. Sự thinh lặng của con người mới sẽ được sinh ra trong đất mới! Sự thinh lặng của ngày thứ bảy tuần thánh trong khi chờ đợi phục sinh! Sự thinh lặng để khước từ những của cải nghèo nàn, những kế hoạch phù phiếm của mình hầu đón nhận những sự phong phú không hề hư nát của Thiên Chúa.
Sự thinh lặng của con người cũ chết đi, và của con người Thiên Chúa tái sinh. Sự thinh lặng của hạt lúa mì chôn vùi dưới đất trước khi trở thành một bông lúa mới. Sự thinh lặng của cái kén chuẩn bị cho con bướm vỗ cánh bay lên. Sự thinh lặng của lột xác, của vượt qua. Vì không bao giờ có sự sống, nếu không có sự tăng trưởng, và không thể tăng trưởng nếu thiếu sự biến đổi và không có biến đổi nếu không thông qua cái chết. Sự thinh lặng mãi mãi là một huyền nhiệm về cái chết cũng như về sự tái sinh.
Đấy là sự thinh lặng, không chỉ để chiến đấu chống lại sức mạnh sự dữ, nhưng còn là để thanh luyện đào sâu về mầu nhiệm Thiên Chúa và về con người. Vâng, đôi khi Thiên Chúa có vẻ thinh lặng! Nhưng sự thinh lặng ấy chẳng phải là một cách tôn trọng tự do của con người sao? Một cách mời gọi họ đào sâu khát mong của mình, mở rộng chân trời của mình sao? Nếu đôi khi Tình Yêu im tiếng, thì im lặng chẳng phải là một lời mặc khải sao?
Dù Thiên Chúa thiết tha mong muốn yêu thương gặp gỡ tôi, ban ơn cho tôi, thì Người cũng không muốn có một sự ngộ nhận giữa bản chất sâu xa của tôi, giữa thực tại của tôi với điều mà Người dành cho tôi. Khi sự thinh lặng của chúng ta có vẻ trống rỗng, khi Thiên Chúa có vẻ trở nên một thực tại mơ hồ, và ngôn ngữ mà chúng ta dùng để tiếp cận Người có vẻ như những lời ngây ngô trống rỗng, có lẽ đấy là lúc mà Đấng Tạo Dựng mời gọi chúng ta mở lòng ra để đón nhận một giai đoạn mới trong quá trình tăng trưởng thiêng liêng của mình.
Một cuộc vượt qua khó khăn, qua đó ta phải học cách giữ thinh lặng vì Thiên Chúa mà thôi! Lúc này chước cám dỗ sẽ là xem các giai đoạn trước đó chỉ là ảo tưởng hoặc tự kỷ ám thị. Thế nhưng, qua sự cô đơn ‘sa mạc’ này, Thần Khí hướng dẫn chúng ta đến giai đoạn tiếp theo, đến một thái độ chân chính hơn đối với Thiên Chúa.
Đây là một sự thinh lặng đáng sợ, nhưng nó thanh tẩy chúng ta khỏi nhu cầu tha thiết của mình đó là ‘chiếm hữu’, là thu thập ‘các kinh nghiệm tâm linh’.
Thế nhưng ta không thể nào tích trữ ‘ân sủng’ cũng như không thể tích trữ man-na trong sa mạc. Chúng ta phải tìm ra tính chất ‘nhưng không’ của tình yêu Thiên Chúa, của giao ước và của những ân huệ không lường trước được. Thời gian sa mạc! Đêm đen khó thở! Đấy là thời gian khô cằn cần thiết để ta cắm rễ vào đức khiêm nhường và vào việc phó thác trong đức tin. Đêm đen của cõi lòng và trí khôn, lúc mà con người bắt đầu nghi ngờ mọi sự: nghi ngờ chính mình, nghi ngờ loài người và nghi ngờ cả Thiên Chúa. Sự thinh lặng đáng sợ. Đêm tối của đức tin.
Những giai đoạn bi tráng này của dân Chúa, như ta thấy trong các văn bản viết sau lưu đày, đều dẫn đến kết quả là đức tin được nội tâm hóa sâu xa hơn.
Nhưng đối với một vài người, cảm giác độc thoại cô đơn ấy đôi khi trở thành một cuộc chiến bi thảm dẫn đến việc đánh mất đức tin. Andre Gide chẳng hạn, kể lại cuộc chiến nội tâm mà ông đã kinh qua trong thời gian niên thiếu và đã làm cho ông rơi hẳn vào thái độ vô thần:
“Ôi Đấng Hằng Hữu, ôi Thiên Chúa của con! Ôi con mong được biết Người! Con quỳ gối lâu giờ, và thể xác lo lắng, trong khi tâm hồn tìm kiếm những lời cầu nguyện mới, và đôi khi tâm hồn đâm ra sợ hãi trước lời độc thoại trường kỳ của mình. Ôi khi ta không nghe một lời nào đáp lại, mà vẫn tin, vẫn còn đức tin mà không có gì trấn an mình; chờ đợi, nguyện cầu và biết rằng niềm hy vọng ấy đánh lừa mình; và rồi tiếp tục cầu nguyện, bằng mọi giá, bởi vì có lẽ…” (Les cahiers d’Andre Walter, trang 144-145).
Francois Mauriae chép lại trong một tiểu thuyết của ông, câu trả lời thống thiết mà cha xứ Baluzae, một người đã rơi vào đêm đen của vô tín, đã nói với Xavier một chủng sinh trẻ, khi anh nhận xét rằng ngài hẳn không thể nào yêu thương trọn đời một tư tưởng hay một huyền thoại:
“Vâng, ta có thể yêu thương một người đã chết cách đây hai ngàn năm, đúng vậy. Cha là bằng chứng đây, cha và nhiều người khác. Người ấy đã đánh lừa cha biết bao! Người ấy đã đánh lừa chúng ta từ thế kỷ này đến thế kỷ khác! Ngài tiếp tục bằng một giọng run rẩy, cha đã cầu nguyện thật nhiều, van xin thật nhiều! Vào tuổi con, người ta thốt lên những câu hỏi và những câu trả lời, rồi nghĩ rằng chính Thiên Chúa nói. Người ta không biết rằng chẳng có ai cả!” (L’Agneau, tr. 208).
Những tiếng thét phản kháng ấy, xưa kia cũng như ngày nay, đối với sự thinh lặng của Thiên Chúa chẳng phải là tiếng thét của chúng ta một ngày nào đó sao? Khi bất hạnh giáng xuống, khi thất bại sau bao cố gắng, khi thử thách giày xéo chúng ta, khi bệnh hoạn khổ đau hay cái chết xuất hiện trong ta hay quanh ta… câu hỏi nhói tim bùng dậy trong lòng ta: Thiên Chúa ở đâu trong bao nhiêu biến cố ấy?
Ta không thể lên án khát vọng con người là muốn được nhìn thấy Thiên Chúa ra tay can thiệp, khi mọi sự đều chao đảo. Nhưng cũng phải nhận ra chước cám dỗ muôn đời của con người là tạo ra cho mình một “Thiên Chúa hữu dụng”, vừa tầm với mơ ước, nỗi sợ của mình, và Thiên Chúa đó ‘phục vụ’ cho những nhu cầu trước mắt chúng ta. Đấy là các thần linh được dựng lên trong thời cổ đại. Và chẳng phải là lúc nào cũng có một tên ngoại đạo đang thiếp ngủ trong mỗi người chúng ta sao?
Nếu cái vỏ thinh lặng của Thiên Chúa làm chúng ta đau, thì nó cũng có thể trở nên cơ hội để ta nêu lên một câu hỏi đúng đắn và lành mạnh:
“Tôi tin vào vị Thiên Chúa nào?” Đây là một câu hỏi mà không nên quá nhanh nhảu giải đáp; bằng một lối mòn duy tri thức hay một câu trả lời duy đạo đức. Vả lại vị thiên chúa mà người ta tưởng tượng ra để phục vụ cho các điều mình yêu thích, cho các thành công của mình, trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay vị thiên chúa ấy khó lòng chống trả nổi với những cuộc phản kháng. Và trước cái chết của vị ‘thiên chúa hữu dụng’, chỉ có thể có hai thái độ mà thôi: hoặc là thái độ dửng dưng của chủ nghĩa vô thần, hoặc là thái độ khiêm nhường đón nhận một ‘thiên chúa không khớp với mong muốn của chúng ta’.
Vị ‘thiên chúa’ ấy quả thật không phải, tuyệt đối không phải, đơn thuần đó là hình ảnh phóng chiếu của các nhu cầu con người, hầu che đi những lo sợ hiện sinh của mình. Chúng ta không thể nào phịa ra được một ‘thiên chúa’ như thế! Người chẳng hề khớp với nhu cầu tự nhiên của một con người đi tìm sự bù trừ trong tôn giáo.
Sự nghi ngờ có thể trở nên con đường dẫn đến một đức tin thuần khiết, một đức tin luôn tìm kiếm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đấng nhập thể trong hình hài khiêm nhường của một trẻ thơ, rồi chết đi trên thập giá, dù không hề có một tội lỗi nào.
Thiên Chúa đã xóa hào quang thần thánh của mọi thiên chúa giả trong ‘tôn giáo tự nhiên’. Trước Thiên Chúa thinh lặng, chúng ta được mời gọi thực sự tiến hành một cuộc Vượt Qua Phục Sinh.
Sống lễ Vượt Qua của mình cũng có nghĩa là đóng đinh vào thập giá mọi khái niệm của chúng ta về Thiên Chúa, hầu đón nhận một Thiên Chúa mãi mãi cao cả hơn, một Giao Ước ‘cho không’.
Vị Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô mặc khải thì không ‘dùng’ để làm gì cả, theo ý nghĩa hẹp của từ ngữ này. Người không xóa bỏ các giới hạn hay các thử thách trong kiếp người, nhưng Người biến đổi đời thường chúng ta và phá vỡ chân trời hạn hẹp của chúng ta.
Thật khó khăn để ‘trở lại’ với Thiên Chúa của Phúc Âm, để đi từ một ‘thiên chúa’ ngoại đạo mà ta phải lấy lòng, phải thuyết phục hầu đến với một Thiên Chúa từng đón nhận cái chết của chúng ta để làm vọt lên sự sống đời đời.
Tôi không cần phải biện minh cho sự thinh lặng của Thiên Chúa! Nhưng những sự thinh lặng ấy chẳng phải là một “Lời âm” mà chúng ta cần phải học cách lắng nghe và giải thích sao? Sự thinh lặng của Thiên Chúa chẳng phải là một hình thức ngôn ngữ không lời khiến chúng ta phải đào sâu, tinh luyện nội dung của các khát mong của mình đó sao?
Trích trong tập sách NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut
Nhận xét
Đăng nhận xét