CÁCH PHÂN TÍCH VÀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ GÂY LO LẮNG




CÁCH PHÂN TÍCH VÀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ GÂY LO LẮNG“Việc suy nghĩ quá mức chỉ khiến ta rối trí và lo lắng. Đến một ngưỡng nào đó thì việc xem xét hay cân nhắc sẽ trở thành tai hại. Khi ấy chúng ta cần phải quyết định, rồi hành động đến cùng”.PhilipsWaite
                                 

Giải pháp tuyệt vời của Willis H. Carrier được đề cập ở chương 2 tuy rất hiệu quả nhưng không thể giải quyết tất cả các vấn đề gây lo lắng của chúng ta. Chúng ta cần một cách giải quyết toàn diện hơn. Và chúng ta đã có nó. Đó là phương pháp của Aristotle[1] vĩ đại. Phương pháp này dựa trên ba bước cơ bản sau:

 
1. Tìm hiểu vấn đề
2. Phân tích vấn đề
3. Đi đến quyết định – và hành động để thực hiện quyết định đó.
 
Aristotle đã dạy thế - và đã làm như thế từ mấy ngàn năm trước. Tôi và bạn cũng phải làm như thế nếu muốn giải quyết những rắc rối khiến chúng ta khốn đốn và biến cuộc sống của chúng ta thành địa ngục thực sự.

Chúng ta hãy tìm hiểu bước đầu tiên: tìm hiểu vấn đề. Tại sao tìm hiểu vấn đề lại quan trọng? Bởi nếu không hiểu vấn đề, tất cả những gì chúng ta có thể làm chỉ là rối trí, đứng ngồi không yên. Giáo sư Herbert E. Hawkes của Đại học Columbia, người đã giúp 200.000 sinh viên giải tỏa mỗi lo lắng của họ, đã nói với tôi rằng: “Sự rối trí chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lo lắng”. Theo ông: “Một nửa trường hợp lo lắng trên đời này xuất phát từ chỗ mọi người vội vã quyết định trước khi có đủ những hiểu biết cần thiết. Nếu tôi phải giải quyết một vấn đề vào lúc 3 giờ chiều thứ ba tuần tới, tôi sẽ không quyết định vội vàng mà sẽ đợi cho tới hôm ấy. Trong khoảng thời gian đó, tôi sẽ tập trung tìm kiếm tất cả những thông tin về vấn đề một cách đầy đủ và chính xác. Tôi chỉ đơn giản làm công việc tìm hiểu thực trạng. Và đến hạn chót vào thứ ba, nếu tôi đã có được tất cả những điều cần biết thì vấn đề tự nó sẽ được giải quyết!”.

Tôi đã hỏi Hawkes: “Liệu điều này có đồng nghĩa với việc ông là người hoàn toàn không vướng bận lo âu?”. Ông trả lời: “Vâng, đúng vậy. Tôi nghĩ mình có thể thành thật nói rằng cuộc sống của tôi giờ đây gần như không có một gợn nhỏ lo âu nào. Tôi nhận thấy nếu một người chịu dành thời gian tìm hiểu toàn diện vấn đề của mình bằng một thái độ nghiêm túc và khách quan thì nỗi lo âu của anh ta thường sẽ tự tiêu tan dưới ánh sáng của sự hiểu biết”.

Tôi xin được nhắc lại câu nói ấy: “Nếu một người chịu dành thời gian tìm hiểu toàn diện vấn đề của mình bằng một thái độ nghiêm túc và khách quan thì nỗi lo âu của anh ta thường sẽ tự tiêu tan dưới ánh sáng của sự hiểu biết”.

Nhưng hầu hết chúng ta đã làm gì? André Maurois[2] nhận xét: “Tất cả những gì thuận với ước vọng của chúng ta đều có vẻ đúng đắn. Và tất cả những gì ngược lại đều khiến chúng ta nổi giận!”. Chúng ta chỉ muốn tìm những gì cố thể biện minh cho hành động của mình – những điều thuận với ước muốn của ta và phù hợp với những định kiến ta đã có sẵn trong đầu – mà không hề muốn quan tâm đến các hướng tư duy khác!

Đó là lý do ta cảm thấy khó tìm ra đáp án cho vấn đề của mình; tương tự như khi một người nào đó cố gắng giải một bài toán lớp hai mà trong đầu vẫn luôn giữ nguyên giải định rằng hai cộng hai bằng năm! Ấy vậy mà, rất nhiều người trên thế giới này vẫn tự biến cuộc sống của họ và của người khác thành địa ngục vì khăng khăng rằng hai cộng hai bằng năm – thậm chí bằng năm trăm!

Thế thì chúng ta phải làm gì? Phải phân biệt rạch ròi giữa suy nghĩ và cảm xúc; hay như Giáo sư Hawkes đã nói, cần tìm hiểu vấn đề một cách “khách quan và toàn diện”.

Đây là một việc chẳng dễ dàng gì khi chúng ta đang lo âu. Trong trạng thái ấy, cảm xúc có sức chi phối rất lớn. Tuy nhiên, khi cố gắng giải quyết các rắc rối của cá nhân mình, tôi nhận thấy có hai ý tưởng khá hữu ích giúp nhìn nhận thực tế một cách khách quan và sáng suốt:

 
1. Khi tìm hiểu vấn đề, tôi giả định rằng mình không chỉ thực hiện điều này cho bản thân mà còn cho người khác nữa. Nhờ vậy, tôi xem xét các thông tin dưới cái nhìn toàn diện và điềm tĩnh hơn. Nó giúp tôi loại trừ các ảnh hưởng cảu cảm xúc.
 
2. Khi thu thập thông tin về vấn đề khiến mình lo lắng, đôi khi tôi tự đặt mình vào vị trí luật sự biện hộ cho mặt kia của vấn đề. Nói cách khác, tôi cố tìm ra những điều chống lại minh – những điều trái với ước muốn của tôi, những điều tôi không muốn chấp nhận.
 
Sau đó tôi viết ra cả hai mặt của vấn đề - và thường thì chân lý sẽ hiện ra đâu đó giữa ranh giới của hai cực đối lập.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: bạn hay tôi, hay ngay đến Einstein[3] hoặc Thẩm phán của Tòa án tối cao cũng không thể tài giỏi đến mức có thể đưa ra một quyết định chính xác về bất cứ vấn đề gì khi chưa tìm hiểu cặn kẽ.

Bởi vậy quy tắc đầu tiên để giải quyết vấn đề là: Tìm hiểu vấn đề. Hãy làm theo lời khuyên của Giáo sư Hawkes: “Đừng vội vã quyết định trước khi có đủ những hiểu biết cần thiết”.

Tuy nhiên, thu thập mọi thông tin trên đời cũng chẳng ích gì nếu ta không phân tích và lý giải chúng.

Tôi đã có một kinh nghiệm đắt giá để từ đó rút ra kết luận rằng sẽ dễ dàng phân tích tình hình hơn sau khi viết chúng ra. Thực tế, chỉ cần ghi lại và nêu rõ ràng vấn đề lên một mảnh giấy thì chúng ta đã đi được một quãng đường dài hướng đến cái đích cuối cùng là đưa ra một quyết định đúng đắn. Hay như cách nói của Charles Kettering[4]: “Một vấn đề được diễn đạt rõ ràng là một vấn đề đã được giải quyết xong một nửa”.

Đó là trường hợp của Galen Litchfield – một trong những doanh nhân Hoa Kỳ thành đạt nhất ở Châu Á. Litchfield có mặt ở Trung Quốc vào năm 1942 khi quân Nhật chiếm đóng Thượng Hải. Ông kể với tôi:

“Không lâu sau khi ném bom Trân Châu Cảng, quân Nhật tiến vào Thượng Hải. Lúc đó tôi đang làm giám đốc Công ty Bảo Hiểm nhân thọ ở Thượng Hải. Họ cử một “thanh lý viên của quân đội” cũng là một đô đốc đến gặp tôi, và yêu cầu tôi phải hỗ trợ ông này trong việc kê biên tài sản của công ty. Tôi không có lựa chọn nào trong trường hợp này. Tôi có thể hợp tác hoặc không. Nhưng “không” ở đây đồng nghĩa với cái chết.

Tôi bất đắc dĩ phải làm theo. Nhưng trong danh sách tài sản đưa cho viên đô đốc, tôi đã không kê khai về lô trái phiếu trị giá 750.000 đô la. Tôi bỏ qua vì chúng thuộc sở hữu của cơ sở tại Hồng Kông của chúng tôi chứ không liên quan gì đến các tài sản ở Thượng Hải. Lúc đó, tôi cũng sợ rằng sẽ gặp phải rắc rối lớn nếu người Nhật biết được. Quả nhiên không lâu sau, họ đã phát hiện ra.

Lúc ấy, tôi không ở văn phòng nhưng kế toán trưởng của tôi thì có mặt. Theo lời ông kể lại, viên đô đốc đã hết sức tức giận, hắn dậm chân và chửi bới, gọi tôi là đồ kẻ cắp, tên phản bội! Tôi dám coi thường quân đội Nhật! Tôi hiểu điều này có ý nghĩa gì. Tôi sẽ bị tống vào Bridgehouse!

Bridgehouse! Trại tra tấn của phát xít Nhật. Có những người bạn thân của tôi đã thà tự vẫn còn hơn bị giải đến nhà tù ấy. Một người khác thì đã chết sau 10 ngày bị hỏi cung và tra tấn dã man ở đó. Giờ thì sắp đến lượt tôi!

Tôi biết tin vào chiều Chủ Nhật và vô cùng lo lắng. Nhưng may mà tôi có một phương pháp giúp giải quyết những vấn đề của mình. Đã nhiều năm, mỗi khi thấy lo lắng, tôi lại đến bên chiếc máy chữ và đáng ra hai câu hỏi cùng với câu trả lời. Hai câu hỏi là:

 
1. Tôi đang lo lắng vì điều gì?
2. Tôi có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó?
 
Có một thời gian dài, tôi thường cố gắng tự trả lời chúng trong đầu mà không chịu viết ra. Nhưng đó là nhiều năm về trước. Tôi đã kịp nhân ra rằng, viết ra cả câu hỏi và câu trả lời sẽ giúp mình suy nghĩ rõ ràng hơn. Vì vậy, ngày chiều Chủ Nhật, tôi đến thẳng văn phòng ở Thượng Hải, lấy máy chữ ra, đánh ra giấy câu hỏi thứ nhất:
 
1. Mình đang lo lắng vì điều gì?
“Mình sợ sẽ bị giải đến nhà tù Bridgehouse vào sáng mai”.

Sau đó tôi tiếp tục với câu hỏi thứ hai:

 
2. Mình có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó?
 
Tôi đã ngồi hàng giờ để nghĩ và viết ra bốn phương án hành động – kèm theo các kết quả tương ứng:
 
1. Tôi có thể cố gắng giải thích với viên đô đốc người Nhật. Nhưng ông ta không biết tiếng Anh. Nếu cố gắng giải thích thông qua một phiên dịch, tôi có thể khiến ông ta nổi điên lần nữa. Điều đó đồng nghĩa với cái chết, bởi ông ta là người tàn bạo, ông ta sẽ tống tôi vào Bridgehouse mà không thèm nghe một lời giải thích.
 
2. Tôi có thể tìm cách chạy trốn. Nhưng trên thực tế thì điều này là không thể. Họ theo dõi tôi rất sát sao. Mỗi khi ra vào vào phòng, tôi đều phải ghi danh. Nếu tìm cách trốn, tôi có thể bị bắt lại và bị bắn.
 
3. Tôi có thể ngồi lì ở nhà và không đến văn phòng nữa. Nếu thế, viên đô đốc sẽ nghi ngờ và có thể cho lính lập tức lôi tôi đến Bridgehouse.
 
4. Tôi có thể đến văn phòng như thường lệ vào sáng thứ hai. Nếu vậy, có khả năng viên đô đốc Nhật vì quá bận rộn mà sẽ không nhớ đến việc tôi đã làm. Ngay cả khi nhớ ra thì ông ta cũng có thể đã nguôi giận và thôi không truy cứu nữa. Nếu điều này xảy ra, tôi sẽ được an toàn. Thậm chí nếu ông ta nổi giận, tôi vẫn còn cơ hội để giải thích. Vậy thì tôi sẽ vẫn đến văn phòng như thường lệ vào sáng thứ hai, và làm như không có chuyện gì xảy ra. Thế là tôi sẽ có hai lần cơ hội thoái khỏi Bridgehouse.
 
Ngay sau khi viết hết suy nghĩ của mình và quyết định sẽ làm theo phương án thứ 4 - đến văn phòng như thương lệ vào sáng thứ Hai – tôi cảm thấy thanh thản hẳn.

Sáng hôm sau, khi tôi bước vào văn phòng, viên đô đốc người Nhật vẫn ngồi đó, miệng ngậm điếu thuốc lá, trừng mắt nhìn tôi như thường lệ và không nói lời nào. Sáu tuần sau – ơn Chúa – ông ta trở về Tokyo và nỗi lo lắng của tôi chấm dứt.

Tôi đã rất may mắn trong lần ấy. Nhưng có lẽ tôi đã không thể tự cứu mình nếu tôi không ngồi viết ra các phương án hành động cùng kết quả tương ứng rồi bình tĩnh quyết định. Nếu không làm thế, rất có thể tôi đã rối trí, do dự và đưa ra quyết định sai lầm vào giờ phút quan trọng nhất. Rất có thể tôi đã phát điên vì lo lắng suốt buổi chiều. Rất có thể tôi đã mất ngủ cả đêm hôm ấy, rồi đến văn phong vào sáng thứ Hai với gương mặt lo lắng tiều tụy – chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ khiến viên đô đốc người Nhật nghi ngờ và tối tôi vào ngục!

Đã nhiều lần, kinh nghiệm cho tôi thấy giá trị rất lớn của việc đưa ra quyết định đúng lúc. Chính việc không thể đạt được mục đích đã định, không thể thoát ra vòng suy nghĩ luẩn quẩn đã khiến nhiều người bị suy nhược thần kinh và sống một cuộc đời địa ngục. Tôi nhận thấy 50% mối lo lắng của mình đã vơi đi sau khi tôi đưa ra một quyết định rõ ràng, dứt khoát; và 40% khác sẽ biến mất khi tôi thực hiện quyết định đó.

Vậy là tôi có thể gạt bỏ được 90% nỗi lo lắng bằng cách thực hiện bốn bước sau đây:

 
1. Viết ra chính xác điều tôi đang lo lắng.
2. Viết ra những gì tôi có thể làm để giải quyết điều đó.
3. Quyết định sẽ làm gì.
4. Thực hiện ngay quyết định đó.
 
Galen Litchfield hiện là Tổng giám đốc khu vực Viễn Đông của Starr, Park và Freeman, một tập đoàn có nguồn lợi nhuận khổng lồ thu từ các hoạt động tài chính và bảo hiểm. Ông đã xác nhận với tôi rằng phần lớn thành công ông đạt được là nhờ vào phương pháp phân tích và đương đầu với lo lắng.

Phương pháp của Litchfield ưu việt vì nó hiệu quả, cụ thể và đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề. Đặc biệt, nó thỏa mãn yêu cầu không thể bỏ qua của quy tắc thứ ba trong việc giải quyết lo lắng: Làm điều gì đó để cải thiện vấn đề. Nếu chúng ta không hành động, tất cả nỗ lực tìm hiểu tình hình sẽ thành công cốc và chỉ là một sự phí phạm năng lượng.

William James từng nói: “Khi bạn đã quyết định và tiến hành thực hiện kế hoạch đó rồi, đừng bận tâm lo lắng gì nữa”. Ý ông là một khi bạn đã đưa ra quyết định một cách cẩn trọng dựa trên các dữ liệu thực tế, thì hãy cứ bắt tay vào hành động. Đừng đắn đo xem xét lại nữa. Đừng chần chừ, lo lắng hay lùi bước. Đừng chìm đắm trong nỗi hoài nghi về bản thân vì điều đó sẽ kéo theo các hoài nghi khác. Đừng lung lay dao động!

Một lần tôi đã hỏi Waite Phillip, một trong những ông trùm dầu mỏ nổi tiếng nhất của Oklahoma về việc ông thực thi các quyết định của mình như thế nào. Ông trả lời: “Tôi nhận thấy rằng việc suy nghĩ quá mức chỉ khiến ta rối trí và lo lắng. Đến một ngưỡng nào đó thì việc xem xét hay cân nhắc sẽ trở thành tai hại. Khi ấy chúng ta cần phải quyết định, rồi hành động đến cùng”.

Tạo sao bạn không sử dụng phương pháp của Galen Litchfield để giải tỏa nỗi lo lắng của mình ngay từ bây giờ?

Trích trong tập sách QUẲNG GIÁNH LO ĐI VÀ VUI SỐNG của tác giả Dale Carnegie, Nguyễ Văn Phước dịch

 
 

[1] Aristotle (384 – 322 TCN): Nhà triết học cổ Hy Lạp nổi tiếng, học trò của Plato. Ông được xem là cha đẻ của ngàng lý luận. Các tác phẩm của ông được xem như bộ bách khoa toàn thư của Hy Lạp cổ đại với rất nhiều lĩnh vực như: lý luận, chính trị, logic, vật lý, thiên văn, khí tượng, sinh vật…, và cả văn chương.
[2] André Maurois: (1885 – 1967): Nhà văn lớn của Pháp thế kỷ 20, viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp. André Maurois viết nhiều tiểu thuyết, luận văn, sử, phê bình, khảo luận, tùy bút… Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông ở Việt Nam là tập Thư gửi người đàn bà không quen biết.
[3] Albert Eistein (1879 – 1955) là nhà vật lý người Mỹ gốc Đức – Do Thái. Ông nổi tiếng với tư cách là cha đẻ của thuyết tương đối và được xem là nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ 20.
[4] Charles Franklin Kettering (1876 – 1958): Kỹ sư, nhà phát minh người Mỹ với hơn 300 bằng sáng chế, chủ yếu trong linh vực cơ khí tô tô.

Nhận xét